Khoảng khắc chào đời Vi diệu của bé Jetstar

Khoảng khắc chào đời Vi diệu của bé Jetstar
Vào ngày 4/3 trên chuyến bay thuộc hãng hàng không Jetstar chuyến TPHCM đi Đà Nẵng một chuyện hi hữu xảy ra một ca sanh ngay trên máy bay được thực hiện bất đắc dĩ và kết quả tuyệt vời một Em bé Jetstar được chào đời ngay trên máy bay lần đầu tiên tại Việt Nam.


Bé Jetstar khấu khỉnh đáng yêu
Để kỷ niệm sự kiện bé chào đời một cách đặc biệt này Cha Mẹ bé đặt quyết định gọi tên bé theo hãng hàng không Jetstar là “Bé Jetstar”.
Đại diện Jetstar Pacific thông báo quyết định tặng vé máy bay miễn phí cho bé Jetstar cho đến khi tròn 20 tuổi. Đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam sinh con trên máy bay.

 
4 ngày sau ca sinh đầu tiên trên máy bay tại Việt Nam, ở độ cao 10.000 m, ba người phụ nữ: Nữ bác sĩ xinh đẹp người Anh, nữ tiếp viên trưởng và sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Nga (quê Quảng Nam) có cuộc hội ngộ tại Đà Nẵng, cùng nâng niu bé Jetstar trong niềm vui khôn tả.
 
Ca đỡ đẻ “vi diệu” trên máy bay
Bé Jetstar - tên thường gọi ở nhà của cậu con trai kháu khỉnh được chị Nga (quê Đuy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng chồng Dương Văn Bảo Phúc (quê An Giang) quyết định đặt theo tên hãng máy bay, trên chuyến bay BL590 cất cánh từ TP HCM về Đà Nẵng chiều 4/3 đầy kỷ niệm.
Hai vợ chồng chị Nga cùng làm công nhân ở Bình Dương. Cuộc sống không mấy khá giả. Vốn vất vả chăm bé gái đầu hơn 1 tuổi nên khi chuẩn bị sinh con thứ 2, chị Nga cùng chồng quyết định bay ra Đà Nẵng để về quê Quảng Nam nhờ bà ngoại chăm sóc.
Kết quả siêu âm ở phòng khám tư chẩn đoán, chị Nga đang mang thai tuần thứ 30 nên đủ điều kiện làm thủ tục bay. Tuy nhiên, khi máy bay số hiệu BL590 vừa rời đường băng Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) khoảng 15 phút, chị Nga bất ngờ vỡ ối, đau bụng và có dấu hiệu chuyển dạ. Anh Phúc lo lắng báo cho tiếp viên, mọi người nhìn nhau ái ngại.
“Chúng tôi cũng khá hồi hộp vì thực sự chưa gặp trường hợp nào như thế”, tiếp viên trưởng chuyến bay BL590 Trần Thị Huệ kể. Các tiếp viên thông báo để nhờ sự trợ giúp của các hành khách trên chuyến bay. Fiona Sutton - nữ bác sĩ chuyên khoa Nhi ở Anh thấy cảnh sản phụ đang đau bụng vì chuyển dạ, không chút ngần ngại tiến lại gần.
Phi hành đoàn nhanh chóng bố trí “bàn sinh” trên máy bay bằng cách lấy 3 ghế ở hàng thứ 5 để sản phụ Nga nằm. Các tiếp viên vội vã chuẩn bị dụng cụ y tế. Anh Phúc nắm chặt tay vợ động viên. “Vợ tôi đi khám ở bệnh viện họ chẩn đoán đến cuối tháng 3 mới sinh, ai ngờ”, anh Phúc không giấu nổi vẻ lo lắng, căng thẳng. Riêng Fiona thì gạt bỏ mọi cảm xúc xung quanh, cô tập trung tối đa cho công việc của một bác sĩ đỡ đẻ.
Bầu không khí căng thẳng như bao trùm cả chuyến bay. Những hành khách đi cùng được các nhân viên nhắc nhở việc giữ trật tự. Nhiệt độ trong khoang máy bay cũng được tăng từ 24,50C lên 270C để sản phụ đủ ấm. Tiếp viên Huệ đóng vai trò phiên dịch lời bác sĩ cho chị Nga. Còn sản phụ cố vận hết sức mình. Máy bay ở độ cao 10.000 m, từng giây phút đong đếm bằng biết bao sự hồi hộp. 30 phút trôi qua, tràng pháo tay hân hoan của tất cả hành khách, phi hành đoàn khi bé trai nặng 2,7 kg cất tiếng khóc chào đời. Nụ cười bừng nở trên gương mặt vị bác sĩ và nữ tiếp viên trưởng sau những phút dài tập trung cao độ.
“Tôi chưa bao giờ đỡ đẻ trên máy bay. Khi nhận lời giúp sản phụ Nga, tôi rất lo lắng, không biết mình có làm được hay không. Chỉ khi nhìn hai mẹ con bình an tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, Fiona nhớ lại. Lúc đó, điều kiện trên máy bay hạn chế, vị bác sĩ người Anh không cắt dây rốn để tránh nhiễm trùng cho bé. Cô đặt bé trai nằm trên bụng mẹ. Khoảng 15 phút sau, máy bay đáp xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Một xe cứu thương đã chờ sẵn chở ngay gia đình sản phụ Nga vào Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
 
“Bé Jetstar” và cuộc hội ngộ của “ê kíp đỡ đẻ lần đầu trên máy bay tại Việt Nam" (Bác sĩ người Anh Fiona thứ nhất từ trái qua) 
Hội ngộ trong nước mắt
Giây phút chia tay sau chuyến bay khá chóng vánh. Các ân nhân trong “ekip đỡ đẻ” tất bật với công việc của riêng mình. “Tôi nghĩ đến chuyện xin địa chỉ của các vị ân nhân để viết thư cảm ơn. Dù Fiona có thể không đọc được tiếng Việt, nhưng cũng giúp gia đình tôi bày tỏ được tấm lòng”, anh Phúc bộc bạch. Biết được nguyện vọng của gia đình, hãng Hàng không Jetstar gọi ngay theo số điện thoại Fiona đăng ký khi mua vé. Tuy nhiên, đây là số điện thoại ở Anh, không liên lạc được.
May mắn thay, trong thủ tục mua vé, Fiona có ghi lại địa chỉ email. Phía Jetstar vội gửi thư điện tử cho Fiona với hi vọng cô sẽ kịp đọc được trong chuyến đi du lịch ở Việt Nam cùng bạn bè. Không ngờ, điều gia đình anh Phúc, Jetstar mong mỏi cũng chính là ý nguyện của vị bác sĩ người Anh. Cô sớm hồi đáp thư với nội dung “rất muốn gặp lại hai mẹ con xem họ có mạnh khỏe không”.
Sáng 7/3, chị Nga đang chăm sóc cậu con trai 4 ngày tuổi trong phòng 1116 Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Cửa phòng vừa mở, Fiona nhẹ nhàng bước đến bên giường mẹ con chị nằm. Cùng đi có cả tiếp viên trưởng Huệ và các tiếp viên chuyến bay BL590. Nữ bác sĩ không vội lên tiếng, cô dành thời gian ngắm nhìn cậu bé đang ngon giấc trong vòng tay mẹ. Chị Huệ tiến lại, ôm chầm lấy chị Nga. Lúc này chị Nga mới biết đến sự xuất hiện của những người chị đang mong mỏi gặp lại. Sản phụ ghì chặt tay, kéo Fiona ngồi xuống giường rồi ôm chầm lấy. Ba người phụ nữ ôm chặt lấy nhau, trong sự ngỡ ngàng của các sản phụ và người nhà ở cùng phòng. Chị Nga bật khóc nức nở. Những giọt nước mắt nồng ấm chảy xuống tay Fiona, khi cô ôm chặt chị Nga vào lòng. Căn phòng 1116 của bệnh viện như vỡ òa trong khoảnh khắc ấy.
 
Cùng với tên gọi thân mật ở nhà là Jetstar, gia đình đã đặt tên cho bé là Dương Bảo Minh
“Em là một người phụ nữ tuyệt vời và rất dũng cảm”, Fiona dành cho chị Nga lời động viên như chính buổi đỡ đẻ trên chuyến bay ngày 4/3 ấy. Chị Nga chỉ biết đáp lại bằng những cái ôm siết chặt, rồi nhoẻn miệng cười khi những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên gò má. Chị Nga khoe: “Cả gia đình quyết định đặt tên ở nhà cho bé là Jetstar như sự tri ân, khắc ghi kỷ niệm đáng nhớ”.
 
Ẵm Jetstar trên tay, Fiona cười hạnh phúc. Cô cưng nựng bé giữa những ánh nhìn đầy ngưỡng mộ của mọi người xung quanh. “Chúng ta đã có một trải nghiệm đáng nhớ”, cô chia sẻ và đề nghị bằng cả tấm lòng: “Hãy chia sẻ hình ảnh của bé để tôi có thể nhìn thấy mỗi ngày”. Khi biết chị Nga không sử dụng Facebook, Fiona cẩn thận lấy giấy bút ghi lại địa chỉ, số điện thoại. Nữ bác sĩ người Anh bộc bạch: “Đây cũng là kỷ niệm ấn tượng nhất của tôi khi đến Việt Nam. Hình ảnh cậu bé Jetstar nhoẻn miệng cười như một phần của sợi dây gắn kết tôi với dải đất hình chữ S”.

 

Tin cùng chuyên mục