Văn hoá hàng không dành cho khách hàng

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Quyền lợi của hành khách và giải pháp giảm chậm, hủy chuyến bay” do báo Giao thông tổ chức ngày 16.7, một ý kiến được nêu ra rằng, “chúng ta đang thiếu và cần xây dựng văn minh hàng không từ việc quản lý Nhà nước, hãng bay và khách đi máy bay”.
Văn hoá hàng không dành cho khách hàng
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Những nguyên nhân dẫn đến hủy chuyến, chậm chuyến bay từng được mổ xẻ, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan quản lý và của các hãng máy bay, nhưng chưa phân tích một nguyên nhân khác đó là chưa xây dựng được văn minh hàng không. Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ miêu tả cảnh nhếch nhác tại các sân bay, hành khách nằm ngồi vạ vật, dọn đồ ăn ra ăn ngay trong phòng chờ trông như bến xe bến tàu.

Những cảnh mà thứ trưởng Thọ nói đến đó cần phải được chấn chỉnh. Đi máy bay khác với đi xe đò và tàu chợ. Còn có nhiều điều khác cần chỉ ra về chuyện thiếu văn minh, văn hóa hàng không. Có nhiều trường hợp đã check in, nhưng đi chơi hoặc quên giờ lên máy bay. Cả chiếc máy bay chỉ chờ một, hai người, bởi vì theo nguyên tắc an toàn, muốn bay thì phải xáo hành lý của hành khách đó để bỏ lại. Nếu vậy thì mất ít nhất trên 30 phút, dù cách nào thì chuyến bay cũng bị chậm.

Khi máy bay bị chậm, đa số hành khách chưa hiểu nguyên nhân thì đã la hét, trách mắng rất căng thẳng. Người đi máy bay thường xuyên sẽ hiểu máy bay hoãn có khi do thời tiết, do tạm ngưng vì ưu tiên chuyên cơ, vì máy bay xuống nhiều không đủ đường dẫn vào bãi đỗ. Hoặc có khi vì lý do kỹ thuật, cần phải kiểm tra, sửa chữa để bảo đảm an toàn.

Xem thêm:  Cứ 4 chuyến bay lại có một chuyến chậm hoặc hủy

Đối với hàng không mục tiêu đặt ra là tuyệt đối an toàn, chính vì phải đạt mục đích tuyệt đối an toàn cho nên sẽ không bao giờ có tuyệt đối đúng giờ. Ngay cả với các nước phát triển, có ngành hàng không lâu đời, tổ chức hàng không hiện đại như Mỹ thì con số đạt được cũng xấp xỉ 80% chuyến bay đúng giờ.

Hành khách đi máy bay cũng có thái độ ứng xử với tình trạng hoãn chuyến rất văn minh. Họ bình tĩnh và lựa chọn cho mình cách giết thì giờ hiệu quả như đọc sách báo, lướt ipad hoặc đi tham quan sân bay…

Họ không lựa chọn cách than thở hay phản ứng ồn ào gây mất trật tự, bởi vì họ thừa biết chính hãng hàng không và các dịch vụ của sân bay đang cố gắng hết sức để xử lý các sự cố. Dù họ có sốt ruột cũng không thể đảo ngược được tình hình.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam rất có lý khi đưa ra đề xuất cần truyền thông để người dân có văn minh về giao thông hàng không và không tuyệt đối hóa chuyện đã là hàng không là phải đúng giờ. Ông nói: “Người dân thì lập luận tôi bỏ tiền ra mua vé máy bay, nhiều tiền thì phải đúng giờ. Nhưng trên thực tế, có những chuyến bay bị chậm giờ bất khả kháng vì nguyên nhân khách quan. Ngay cả Vinasat cũng phải hoãn thời gian phóng vì lý do thời tiết”.

Đối với thực tế tại Việt nam, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hàng không còn hạn chế, lạc hậu, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu đi máy bay ngày càng lớn của người dân, cho nên tỉ lệ máy bay chậm chuyến còn cao. Để hạn chế tình trạng chậm chuyến, cần có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các đơn vị dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ mặt đất, các hãng máy bay và cả sự hợp tác của hành khách. Hành khách ngày càng tiếp cận với nền văn minh, văn hóa hàng không của thế giới để trở thành công dân quốc tế của một đất nước Việt Nam hội nhập.

 

Lê Chân Nhân