Gặp 'bố Trụ của Mỹ Tâm' nhân ngày 20/11

Với vai trò Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM, 25 năm gắn bó với nghề giảng dạy, nhạc sĩ Quốc Trụ đã góp công đào tạo rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như Tạ Minh Tâm, Mỹ Tâm...

Nhân ngày Nhà giáo VN nghe ông trải lòng về cuộc đời làm thầy, và hiện trạng nền ca nhạc nước nhà. Người nhạc sĩ ở tuổi 72 vẫn trẻ, khỏe khoắn với chất giọng trầm ấm. Nghỉ hưu 12 năm, giờ ông vẫn dạy hợp đồng ở Nhạc viện và nhận đào tạo học trò tại nhà riêng.

Cuộc đời riêng của ông có nhiều thăng trầm. Người vợ thứ nhất chia tay ông khi ông đi du học bảy năm về thanh nhạc ở Bulgaria. Người vợ thứ 2 chia tay vì lý do không hiểu nhau. Và người vợ thứ 3 là mẹ hoa hậu Hà Kiều Anh, họ đến với nhau khi cả hai đều đổ vỡ trong hôn nhân. Ông kể về người vợ thứ 3 với giọng đầy tự hào. Bà là người phụ nữ đảm đang, trong bà có máu nghệ sĩ được thừa hưởng từ ông ngoại là người kéo violon và sáng tác nhạc. Họ chia tay vì bà Kiều Oanh muốn có một cuộc sống tự do. Ông tôn trọng điều đó và để bà ra đi với lựa chọn của mình. Giờ sống một mình ông cũng không thấy cô đơn, vì ông có 4 người con đã thành đạt, đều tốt nghiệp thanh nhạc và có vị trí trong xã hội, có 5 đứa cháu dễ thương.

Nhạc sĩ Quốc Trụ.

Nhạc sĩ Quốc Trụ.

Nền âm nhạc của mình hỏng từ hạt mầm
- Ngày xưa thế hệ ông được đi đào tạo ở nước ngoài, học qua trường lớp khổ luyện mới thành ca sĩ, bây giờ các ca sĩ trẻ không qua trường lớp cũng thành ca sĩ, mà lại nổi như cồn nữa, ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi cho rằng lỗi này một phần là do các bạn nhà báo. Những mỹ từ tặng cho các nghệ sĩ lớn tuổi có những cống hiến, đóng góp rất dè dặt, còn với các nghệ sĩ trẻ, các nhà báo không tiếc lời khen, lời… bơm tặng, có những sao như sao… xẹt không đáng được lăng xê quá mức. Những năm tuổi trẻ của bọn tôi tham gia Đoàn Văn công Ca múa nhạc Trung ương, để được hát một bài đơn ca cực kỳ khó. Phải phấn đấu chứng tỏ được tài năng của mình, chả có ai nâng đỡ hay đút tiền mà được hát.
- Vậy về hiện tượng nở rộ ca sĩ như hiện nay, đứng ở cương vị đào tạo ông nghĩ gì, thưa ông?
- Ở thời bọn tôi, phải cần “rất nhiều” giọng và không có tiền, ngược lại bây giờ có “tí” giọng thôi nhưng có rất nhiều tiền. Bỏ 2 tỷ là trở thành “sao” ngay. Thậm chí, những giải truyền hình chưa thi người ta đã biết được kết quả rồi. Các cuộc thi bây giờ nở rộ, thi tùm lum, từ phường, xã, huyện lên tỉnh, thành phố, trung ương. Có mấy khuôn mặt chỗ nào cũng thi, làm sao có những giọng ca hay được, chưa kể còn nhiều vấn đề khác nữa.
- Cụ thể thưa ông?
- Nền âm nhạc của mình bị hỏng từ khi đang còn là hạt mầm. Tôi thấy rất buồn và lo lắng khi xem chương trình của các cháu nhỏ. Các cháu bắt chước người lớn, cũng áo tứ thân, cũng đội khăn đóng, cũng anh anh em em, cũng tình tình tứ tứ, cũng liếc mắt đưa tình… cái đó để làm gì khi mà ở lứa tuổi của chúng không phải những thứ đó. Xem các chương trình của ngoại quốc mà xem, dễ thương lắm, thậm chí trẻ con vừa hát vừa ngoáy mũi rất hồn nhiên…
Không thể trách những người biên tập hay dàn dựng những chương trình mà nên trách bản thân gia đình, bố mẹ của các cháu cũng khoái lắm, thích lắm, cơ hồ như cổ vũ cho các cháu. Bản thân người lớn đã làm hư các cháu. Tôi nhớ một nhà soạn nhạc Hungary có nói đại ý rằng “nên dạy con nít âm nhạc khi mà các cháu đang đi nhà trẻ” và ông đã thêm vào một ý nữa “hãy dạy các cháu âm nhạc khi mẹ, bố các cháu đang đi nhà trẻ”. Ở nước ngoài chương trình con nít cực kỳ con nít, lứa tuổi 7 tuổi là 7 tuổi, 9 tuổi là 9 tuổi.
Chúng ta xuất phát các cuộc thi cho tuổi teen rồi, tiếng hát học đường, thường rập khuôn giống như các tụ điểm âm nhạc không có gì khác cả. Các cháu 13, 14 tuổi cũng lại tình yêu say đắm, lừa dối, bạc bẽo, đau khổ ỉ ôi… tuổi học đường mà tại sao lại hát những bài như vậy, chờ đợi anh mỏi mòn, con nít mà mỏi mòn cái gì?

  Ngọc Quyên có giọng nhưng ít có thời gian luyện.

Ngọc Quyên có giọng nhưng ít có thời gian luyện.

5 triệu đồng một giờ dạy, tôi vẫn từ chối!
- Tiêu chí đầu tiên khi nhận học trò của ông là gì, thưa ông?
- Giọng hát.
- Khi nhận học trò ông thường nói gì với học trò của mình?
- Tôi nói, giọng hát là quan trọng nhất, thanh nhạc là nghệ thuật của âm thanh chứ không phải là múa máy nhảy nhót từa lưa. Tôi nói với một số người mẫu đang theo học tôi hiện nay như Trương Thị May, Ngọc Quyên, á hậu Ngọc Hằng là, các em biểu diễn người ta phải nghe các em hát, chứ không phải xem các em hát.
- Hiện nay có rất nhiều chân dài đua đòi làm ca sĩ, dẫn đến ra “lò” những người mẫu hát mà khán giả nghe như bị… tra tấn. Vậy khi ông nhận Trương Thị May, Ngọc Quyên, Ngọc Hằng, ông có thấy ở họ có khả năng ca hát không, thưa ông?
- Họ có khả năng chứ, chỉ là chưa phát triển được, cái này phải đòi hỏi khổ luyện lâu dài. Ngọc Quyên có giọng, nhưng lại ít có thời gian rảnh, bận đi phim liên miên. Ngọc Hằng chăm chỉ học, khoái hát, đặc biệt là hát những bài dân ca Việt Nam, Hằng có hát giao lưu mỗi lần đi diễn ở nước ngoài chứ chưa dám diễn trong nước, được khán giả ủng hộ nên cũng đang rất hăng. Còn Trương Thị May chăm chỉ và ngoan lắm, có khả năng ca hát và đi đường dài được, nhiệt tình và nghiêm túc, 8 giờ sáng mỗi ngày là đến học rồi. Tôi chưa muốn chúng nó ra hát, để học hành cho tử tế mới cho chúng chính thức đăng đàn.
- Với con mắt và đôi tai của một người thầy, có bao giờ ông “nghe một câu” là biết ngay người đó có thể trở thành ca sĩ tương lai hay không?
- Chắc chắn rồi, không phải ai cũng được làm học trò của tôi (cười). Nhiều người gọi điện tới xin học bao giờ tôi cũng trân trọng mời đến nhà để tôi nghe họ hát thử vài câu, tôi biết ngay. Phải thú thật, tôi hay dội gáo nước lạnh lên đầu người ta, vì thà nói thẳng để họ đỡ mất công nuôi ảo tưởng.
- Có khi nào ông nhận học trò vì những bức bách của cuộc sống?
- Không, tôi không bao giờ làm vậy. Bạn có tin không, trong lúc rất khó khăn, 5 triệu đồng cho 1 giờ dạy, tôi vẫn cương quyết không nhận, đơn giản, họ không có giọng làm sao mình dạy. Lương tâm một người thầy không cho phép tôi làm điều đó.
- Có vẻ như ông quá khắt khe với tiếng “thầy”?
- Đúng, chữ “thầy” nặng lắm! Tôi nhớ học trò Đỗ Quang của tôi, sau này anh trở thành thầy và đào tạo một số ca sĩ trẻ, khi xảy ra scandal có gọi cho tôi: “Bố ơi (nó hay gọi tôi là bố), tiếng thầy quá nặng, mấy hôm nay nó đè nặng trong lòng con”. Thật đau lòng 20 ngày sau nó tự vẫn để giữ danh dự người thầy. Rất nhiều học trò của tôi sau này trở thành thầy, đều thấy chữ thầy quá nặng.
"Bố Trụ" của Mỹ Tâm
- Ông từng đào tạo rất nhiều ca sĩ trẻ, đưa họ đến thành công. Hà Kiều Anh 3 tuổi ở cùng ông, được ông kèm dạy từ nhỏ, nhưng có vẻ như con đường ca hát của cô lại không thành công. Bàn tay phù phép của ông bầu bố dượng ở đâu trong trường hợp này thưa ông?
- Do cổ giọng của Hà Kiều Anh yếu, tôi cũng khuyên một thời gian nhưng con bé cứ mê hát nên muốn theo cho bằng được, học trung cấp xong lại vào nhạc viện học. Tôi không thích áp đặt con cái nên nó thích gì thì làm nấy.
- Những người ông dạy giờ đã thành danh, sau này có thường về thăm ông? Có kỷ niệm nào với họ mà ông vẫn nhớ?
- Ngày lễ tết hay 20/11 tôi vẫn nhận được rất nhiều hoa và những lời chúc từ học trò. Mỹ Tâm năm nào cũng thế, đến gặp, thăm, gửi hoa. Mỹ Tâm theo học tôi 4 năm trung cấp, thậm chí học xong sách vở của Tâm vẫn đang để ở đây.
20/11 nào Mỹ Tâm cũng có một lẵng hoa lớn để ở nhà tôi và một kệ hoa rất to để ở sảnh của Nhạc viện, đâu phải chỉ mình thầy Trụ mà Mỹ Tâm hiểu, có cả mấy chục thầy cô giáo dạy các môn khác như ký xướng âm, hòa âm, piano… mới có một Mỹ Tâm như hôm nay. Tôi luôn đề cao điều đó không phải vì Tâm gửi quà hay gửi hoa cho tôi mà thực sự Tâm nó là đứa vậy. Tên nó là Mỹ Tâm, nó có cái lòng thật.
(Ông nói rồi đứng dậy đưa cho tôi xem quyển lịch bàn ông để trên kệ chiếc piano, có lời đề tặng rất thân tình của Mỹ Tâm giành cho ông “Kính chúc bố luôn vui và có nhiều sức khỏe – con Mỹ Tâm”).
- Lúc dạy Mỹ Tâm ông có nhìn thấy được tương lai của người học trò này rồi sẽ trở thành một sao này sao nọ, có thể đi đường dài trên con đường ca hát, thưa ông?
- Chắc chắn! Tôi đã nhìn thấy đường dài của Mỹ Tâm. Tâm chịu khó học, cần mẫn, chăm chỉ.
- Bên cạnh những ưu đấy, Tâm có khuyết điểm gì không thưa ông?
- Nóng nảy, bộc toạch, nghĩ gì nói nấy, đôi khi tôi hay dặn Tâm là khi nói chuyện với báo chí phải cẩn thận hay trên sân khấu phải chú ý cách ăn mặc, đi đứng, vì vậy Tâm thấy tôi gần gũi và thân quen nên hay gọi là “bố”.
- Sau hiện tượng của Mỹ Tâm, là ngôi sao nhạc trẻ do ông đào tạo, từ đó đến nay ông có thấy “lấp ló” một tài năng nào không, thưa ông?
- Không phải lúc nào trên bầu trời ngàn sao kia cũng dễ thấy một ngôi sao sáng nổi bật!

Theo news.zing.vn